Virus Adeno (Adenovirus) là nhóm virus phổ biến trên thế giới có thể gây ra tình trạng viêm đường hô hấp ở người, đặc biệt ở nhóm đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang có xu hướng bùng phát mạnh ở nước ta.
Chuẩn bị những hiểu biết về bệnh do virus Adeno gây ra; triệu chứng, biểu hiện và các phát hiện bệnh,…. sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết lần này. Hãy tham khảo bài viết bên dưới đây nhé!
Nội Dung
Bệnh do Adenovirus
Adenovirus là virus không có vỏ bọc chứa DNA mạch kép, thẳng, có đường kính từ 70 đến 80 nm, và kích thước khoảng 40 kb. Vỏ capsid của Adenovirus đối xứng hình khối và hình đa giác đều tạo nên bởi 252 capsome – cấu trúc đặc trưng của virus. Adenovirus chia thành 7 nhóm được ký hiệu từ A đến G, trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Bệnh do Adenovirus thường gặp bao gồm:
- Viêm đường hô hấp trên;
- Viêm đường hô hấp dưới;
- Viêm não màng não;
- Viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ);
- Viêm bàng quang;
- Các bệnh lý đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Tại Việt Nam, bệnh do Adenovirus xuất hiện quanh năm; thời điểm bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân – Hè hoặc Thu – Đông. Bệnh do adenovirus gây ra ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em (tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi), người lớn tuổi, người bị mắc bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém. Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương, từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022 đã phát hiện 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong. Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến gần cuối tháng 9/2022, tổng số ca bệnh virus Adeno phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
Triệu chứng thường gặp khi trẻ nhiễm Adenovirus như: nóng, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp; tương tự như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, triệu chứng viêm phổi do Adenovirus rất khó phân biệt với viêm phổi do virus/ hoặc vi khuẩn đường hô hấp khác. Ngoài ra, đau họng cũng là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị nhiễm Adenovirus. Trẻ cũng có thể xuất hiện triệu chứng của bệnh viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ). Một số tuýp Adenovirus có thể gây bệnh lý đường tiêu hóa như: tiêu chảy, đau quặn bụng, buồn nôn, và các triệu chứng viêm dạ dày. Một số trường hợp bị nhiễm adenovirus gây nhiễm trùng bàng quang, viêm gan, viêm dạ dày, viêm não và màng não.
Giải pháp phát hiện bệnh bằng kỹ thuật Real-time PCR
Kit Real time PCR dùng để phát hiện DNA của Adenovirus trong các mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp trên (dịch phết mũi họng, dịch phết hầu họng), đường hô hấp dưới (đờm) hoặc các loại bệnh phẩm khác. Xét nghiệm định tính dựa trên kỹ thuật real-time PCR sử dụng mẫu dò Taqman cho phép phát hiện nhanh và chính xác virus Adeno trong các mẫu bệnh phẩm. Kit có ưu điểm là dễ thực hiện, độ đặc hiệu, độ nhạy cao; có chứng nội và các đối chứng khác để kiểm soát khả năng dương tính giả, âm tính giả.
Quy trình thực hiện gồm 4 bước cơ bản như:
Bước 1: Chuẩn bị mẫu (dịch phết mũi, hầu họng hoặc mẫu đờm)
Bước 2: Tách chiết DNA
Bước 3: Nhân bản vùng trình tự mục tiêu bằng hệ mồi đặc hiệu và thu nhận tín hiệu huỳnh quang bằng thiết bị real-time PCR.
Bước 4: Phân tích kết quả
Quá trình có thể hoàn tất trong khoảng 3 – 4 giờ.
Chuẩn bị mẫu
Mẫu nên được thu theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của chính phủ Hoa Kỳ (CDC) (https://www.cdc.gov/adenovirus/specimen-collection.html)
Tách chiết DNA
DNA trong mẫu bệnh phẩm được tách chiết và tinh sạch nhằm loại bỏ các chất gây ức chế phản ứng PCR. Các phương pháp tách chiết DNA thường bao gồm bước biến tính protein; cố định DNA và rửa trôi các chất ức chế; và thu nhận DNA tinh sạch. Các chất gây biến tính protein sẽ phá vỡ cấu trúc các protein trên tế bào người và vi khuẩn, virus, nấm,…từ đó làm vỡ tế bào và giải phóng DNA bộ gene. Sau đó, DNA được giữ lại trên các giá thể phù hợp và loại bỏ chất gây ức chế bằng các dung dịch rửa giải. Cuối cùng, DNA tinh sạch được thu hồi bằng cách hòa tan DNA trong dung dịch bảo quản.
Nhân bản và phát hiện
Phản ứng PCR
Đầu tiên, nhiệt độ phản ứng được nâng cao làm các phân tử DNA bị biến tính thành dạng mạch đơn và hoạt hóa enzyme Taq DNA polymerase. Khi ống phản ứng được làm mát, các đoạn mồi đến bắt cặp với vùng gene mục tiêu. Nhờ có sự hiện diện của ion Mg2+ và các deoxynucleotide triphosphate (dNTP) ở nồng độ cao, Taq DNA polymerase sẽ kéo dài mồi để tạo nên các phân tử DNA mạch đôi gọi là amplicon. Việc tăng và giảm nhiệt độ của phản ứng được máy luân nhiệt lặp lại theo số chu kỳ đã định trước.
Phát hiện sản phẩm
Với việc sử dụng mẫu dò đánh dấu huỳnh quang (mẫu dò Taqman), sự gia tăng số lượng sản phẩm PCR có thể được theo dõi theo thời gian thực (real-time) bằng cách đo mật độ tín hiệu huỳnh quang phát ra trong suốt quá trình PCR. Khi mẫu dò vẫn còn nguyên vẹn, tín hiệu huỳnh quang phát ra bởi reporter sẽ bị quencher thu hút. Khi phản ứng PCR xảy ra, mẫu dò bắt cặp với vùng gene mục tiêu nằm giữa 2 mồi và bị phân cắt bởi hoạt tính 5’ – 3’ exonuclease của Taq DNA polymerase. Lúc này, phân tử reporter và quencher được tách nhau ra và tín hiệu huỳnh quang thu được từ reporter trở nên mạnh hơn.
Phân tích kết quả
Sự có mặt hay vắng mặt của DNA mục tiêu được xác định dựa trên sự có hay không có sản phẩm PCR thông qua việc quan sát tín hiệu huỳnh quang trên thiết bị.
Hiện nay, bệnh do adenovirus gây ra chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngừa. Vì thế, nếu trẻ có những triệu chứng và biểu hiện bất thường về đường hô hấp như: thở khò khè, khó thở, co giật,… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời; tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp