Nội Dung
Tổng quan về HPV (Human Papillomavirus)
HPV (Human Papillomavirus) là một virus thuộc họ Papovaviridae, có cấu trúc hai nhân bên trong là DNA hai sợi vòng, capsid đối xứng nhau hình khối, gồm có 72 capsomer, virus này không có vỏ ngoài và có đường kính là 50 – 55 nm. Hiện nay đã phát hiện khoảng hơn 200 type, tuy nhiên không phải loại HPV nào cũng gây bệnh. Chỉ có 30 type trong tổng số có khả năng gây nguy hiểm và thường lây nhiễm qua đường tình dục.
HPV là một trong những nguyên nhân chính gây viêm nhiễm, u nhú ở cổ tử cung, thậm chí có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Dựa vào khả năng gây ung thư cổ tử cung, HPV được chia làm 2 nhóm: nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Tỷ lệ nhiễm HPV trên người bình thường là 6 – 11%, trong đó 2/3 trường hợp nhiễm HPV thuộc nhóm nguy cơ cao (HR-HPV) và 1/3 trường hợp nhiễm HPV thuộc nhóm nguy cơ thấp (LR-HPV).
Các type HPV nguy cơ thấp thường chỉ gây bệnh mụn nhọt sinh dục (còn gọi là sùi mào gà hoặc Condyloma acuminata) và biến đổi không đáng kể ở các tế bào cổ tử cung. 90% các trường hợp sùi mào gà gây bởi hai type HPV nguy cơ thấp phổ biến: HPV-6 và -11. Trong nhóm HPV nguy cơ cao, HPV type 16 và 18 là hai type có tỉ lệ gặp phải cao nhất và là nguyên nhân của 70 – 80% các ca ung thư cổ tử cung. Vì vậy, việc phát hiện HPV nguy cơ cao và xác định type HPV-16 và HPV-18 là cần thiết cho công tác tầm soát và chẩn đoán nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Sự ảnh hưởng của HPV đến sức khỏe của con người
Ở phụ nữ, có khoảng 80% nguy cơ mắc ít nhất một loại HPV, với tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra trong độ tuổi 20 – 30 tuổi. Do đó, việc tầm soát và sàng lọc HPV là một việc làm cấp thiết để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.
Xét nghiệm phân type HPV-16, HPV-18, HPV-6, HPV-11 và định tính 12 type nguy cơ cao được sử dụng để: (1) sàng lọc các trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao trước khi chỉ định soi cổ tử cung (colposcopy) (Theo Hướng dẫn của ASCCP- Hiệp hội nội soi cổ tử cung và bệnh lý cổ tử cung Hoa Kỳ-năm 2013); (2) Xét nghiệm phân type 16 và 18 để xác định các trường hợp nguy cơ cao dẫn đến CIN3 ở những phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao [J Natl Cancer Inst 2005;97:1072 – 9].
Giải pháp phát hiện, định type HPV bằng kỹ thuật real-time PCR
Hiện nay, có nhiều giải pháp để phát hiện bệnh và xét nghiệm bằng kỹ thuật real-time PCR là một trong số đó. Kỹ thuật real-time PCR (qPCR) cho phép phát hiện và định type DNA của HPV trong mẫu bệnh phẩm một cách nhanh chóng với độ chính xác và độ nhạy cao, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ ngoại nhiễm so với các kỹ thuật PCR khác.
AccuPid HPV Genotyping Kit của hãng sản xuất Khoa Thương hoạt động dựa trên sự nhân bản vùng gen đặc trưng của các type HPV bằng các cặp mồi đặc hiệu và phát hiện sản phẩm nhân bản dựa trên tín hiệu huỳnh quang thu được.
Quy trình xét nghiệm hoạt động dựa trên ba bước chính:
(1) Chuẩn bị mẫu và tách chiết DNA;
(2) Nhân bản vùng trình tự mục tiêu bằng hệ mồi đặc hiệu và thu nhận tín hiệu huỳnh quang bằng thiết bị real-time PCR;
(3) Phân tích kết quả. Mỗi mẫu xét nghiệm được phân tích bằng 2 phản ứng multiplex real-time PCR.
Toàn bộ quy trình thực hiện trong khoảng 3-4 giờ.
Chuẩn bị mẫu và tách chiết DNA
Chuẩn bị mẫu
Mẫu dịch phết tế bào được lấy bằng tăm bông hoặc cytobrush và bảo quản trong dung dịch bảo quản.
Tách chiết DNA
Các mẫu cần được chuẩn bị và tách chiết DNA với phương pháp thích hợp để cung cấp được DNA đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cho phản ứng real-time PCR.
DNA trong mẫu dịch phết và nước tiểu cần được tách chiết và tinh sạch nhằm loại bỏ các chất gây ức chế phản ứng PCR. Các phương pháp tách chiết DNA thường bao gồm bước biến tính protein; cố định DNA và rửa trôi các chất ức chế; và thu nhận DNA tinh sạch. Các chất gây biến tính protein sẽ phá vỡ cấu trúc các protein trên tế bào người và vi khuẩn, virus, nấm,…từ đó làm vỡ tế bào và giải phóng DNA bộ gen. Sau đó, DNA được giữ lại trên các giá thể phù hợp và loại bỏ chất gây ức chế bằng các dung dịch rửa giải. Cuối cùng, DNA tinh sạch được thu hồi bằng cách hòa tan DNA trong dung dịch bảo quản.
Nhân bản và phát hiện sản phẩm
Phản ứng PCR (Nhân bản): Đầu tiên, nhiệt độ phản ứng được nâng cao làm các phân tử DNA bị biến tính thành dạng mạch đơn và hoạt hóa enzyme Taq DNA polymerase. Khi ống phản ứng được làm mát, các đoạn mồi đến bắt cặp với vùng gen mục tiêu. Nhờ có sự hiện diện của ion Mg2+ và các deoxynucleotide triphosphate (dNTP) ở nồng độ cao, Taq DNA polymerase sẽ kéo dài mồi để tạo nên các phân tử DNA mạch đôi gọi là amplicon. Việc tăng và giảm nhiệt độ của phản ứng được máy luân nhiệt lặp lại theo số chu kỳ đã định trước.
Phát hiện sản phẩm: Với việc sử dụng mẫu dò đánh dấu huỳnh quang (mẫu dò Taqman), sự gia tăng số lượng sản phẩm PCR có thể được theo dõi theo thời gian thực (real-time) bằng cách đo mật độ tín hiệu huỳnh quang phát ra trong suốt quá trình PCR. Khi mẫu dò vẫn còn nguyên vẹn, tín hiệu huỳnh quang phát ra bởi reporter sẽ bị quencher thu hút. Khi phản ứng PCR xảy ra, mẫu dò bắt cặp với vùng gen mục tiêu nằm giữa 2 mồi và bị phân cắt bởi hoạt tính 5’ – 3’ exonuclease của Taq DNA polymerase. Lúc này, phân tử reporter và quencher được tách nhau ra và tín hiệu huỳnh quang thu được từ reporter trở nên mạnh hơn.
Phân tích kết quả
Sự có mặt hay vắng mặt của DNA mục tiêu được xác định dựa trên sự có hay không có sản phẩm PCR thông qua việc quan sát tín hiệu huỳnh quang trên thiết bị.
Tóm lại, HPV là tác nhân lây bệnh qua đường tình dục đáng lo ngại cần quan tâm hiện nay. Chúng là một trong những nguyên nhân chính gây viêm nhiễm, u nhú ở cổ tử cung, thậm chí có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Vì vậy, cần chủ động nâng cao nhận thức trong việc phòng ngừa bệnh, việc tầm soát và sàng lọc HPV là một việc làm cấp thiết để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu cần hỗ trợ, cần tư vấn hoặc đặt mua sản phẩm thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
Công ty TNHH Khoa học NKTBIO
VPGD: Số 60, đường số 13, Khu Dân cư Bình Hưng, Ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Hotline: 028.3636.5898
Email: info@nktbioco.com