Các quy tắc kiểm soát nhiễm trong phòng xét nghiệm sinh học phân tử

Có rất nhiều nguy cơ gây nhiễm trong phòng xét nghiệm sinh học phân tử (PXN SHPT) như thực hiện xét nghiệm nhiều mẫu khác nhau (mẫu máu, mẫu mô, dịch phết tế bào…), kỹ thuật viên thao tác không đạt và không tuân thủ các quy tắc an toàn của phòng xét nghiệm, xử lý các sản phẩm hậu PCR không đúng cách….
Phòng xét nghiệm bị nhiễm sẽ rất khó khử nhiễm hoàn toàn, làm tốn nhiều thời gian và kinh phí trong việc làm sạch hoặc đầu tư để thiết lập một khu vực xét nghiệm mới hoàn toàn. Ngoài ra, khi phòng nhiễm sẽ gây ra hiện tượng dương tính giả thường xuyên, làm ảnh hưởng đến uy tín của phòng xét nghiệm.
Do đó, cần tuân thủ các quy tắc phòng chống nhiễm tại phòng xét nghiệm để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ gây nhiễm:

Không gian phòng thí nghiệm

Không gian PXN SHPT cần phải kín và được ngăn cách bằng cửa tự đóng, chỉ những người có phận sự mới được vào. Các khu vực trong phòng xét nghiệm nên được tách biệt và tổ chức theo một chiều đi từ khu vực chuẩn bị, xử lý mẫu, tách chiết DNA/RNA đến khu vực đặt phản ứng PCR, chạy phản ứng PCR và phân tích kết quả. Mỗi khu vực cũng nên trang bị hạ tầng riêng biệt, có tủ thao tác, thiết bị, dụng cụ, hóa chất và đồ bảo hộ riêng và được dán nhãn đánh dấu cụ thể.
Trong từng khu vực phải phân chia khu vực sạch (bắt buộc không sử dụng găng tay), khu vực không sạch (bắt buộc có sử dụng găng tay); khu vực lưu trữ vật tư tiêu hao – hóa chất xét nghiệm – mẫu/ các sản phẩm ly trích từ mẫu/ chứng dương khác nhau.

Kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm

Kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm có chuyên môn, được đào tạo đầy đủ về các quy tắc và đảm bảo thao tác đúng trong PXN SHPT. Khi thực hiện xét nghiệm nên sử dụng đầy đủ và đúng cách các dụng cụ bảo hộ và hạn chế đi lại trong quá trình làm xét nghiệm. Trong khu vực xét nghiệm, các kỹ thuật viên phải tuân thủ các quy định tại phòng xét nghiệm như không được ăn uống, hút thuốc lá, trữ các đồ ăn, thức uống và các vật dụng cá nhân.

Xét nghiệm

Các mẫu xét nghiệm là các nguồn có nguy cơ gây nhiễm cao với phòng xét nghiệm và người làm xét nghiệm, do đó cần chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị, hóa chất… trước khi thực hiện mỗi xét nghiệm. Mọi bệnh phẩm và vật dụng có liên quan phải được xử lý như vật phẩm có khả năng gây nhiễm. Sau khi sử dụng xong phải cho vào hũ chứa javel 0,5 % hoặc phải đậy nắp chặt, cho vào các bao có khóa/hủ rác y tế để xử lý như rác thải y tế.
Khi thực hiện xét nghiệm nên thao tác trong các tủ thao tác với bộ vật dụng tiêu hao riêng theo đúng quy định, hạn chế đưa mẫu khỏi tủ. Yêu cầu phải vệ sinh khu vực thao tác trước và sau khi thực hiện, sử dụng găng tay đúng cách (khu vực sạch và khu vực không sạch).

Xử lý các sản phẩm hậu PCR

Các sản phẩm hậu PCR cũng là một trong những nguy cơ gây nhiễm cao cho PXN SHPT. Do đó, các sản phẩm PCR cần điện di nên bảo quản ở nhiệt độ – 20°C cho tới khi thực hiện. Các tube sản phẩm sau điện di, các sản phẩm sau khi chạy phản ứng real-time PCR nên bảo quản trong các bao có khóa kín. Ngoài ra, tuyệt đối không mở các tube chứa sản phẩm PCR trong các khu vực thao tác để hạn chế sản phẩm bị thất thoát ra bên ngoài môi trường, không gian phòng thí nghiệm làm gây nhiễm.

Vệ sinh khu vực xét nghiệm

Cuối cùng, phải đảm bảo khu vực xét nghiệm sạch sẽ để hạn chế tối đa các nguy cơ gây nhiễm. Từng khu vực phải chuẩn bị bộ dụng cụ vệ sinh riêng có dán nhãn đánh dấu rõ ràng và được trang bị thùng rác y tế. Trước và sau khi thực hiện nên vệ sinh tủ thao tác và các thiết bị bằng cồn 70 °C, chiếu UV tủ 15 phút. Hằng tuần, nên vệ sinh khu vực xét nghiệm bằng dung dịch sodium hypochlorite (javel) 0,05 %, ủ trong 30 phút và chiếu UV trong 3 – 8 giờ. Rác nên được thu gom và phân loại rác theo đúng quy định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.