Bệnh lây truyền qua đường tình dục là một loại bệnh khá phổ biến hiện nay, lây lan do lối quan hệ tình dục không lành mạnh, lây truyền qua đường máu hoặc sản phẩm của máu… Bệnh để lại hậu quả nặng nề cho những người mắc phải như vô sinh, ung thư cổ tử cung…
Căn bệnh này đáng sợ như thế nào, nguyên nhân gây bệnh, hậu quả cũng như cách phát hiện bệnh … sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết lần này. Hãy tham khảo bài viết bên dưới đây nhé.
Nội Dung
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infections – STIs hay STD) là bệnh lây lan chủ yếu do quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Một số STI cũng có thể lây lan qua các phương tiện phi tình dục như qua đường máu hoặc các sản phẩm của máu. Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục – bao gồm giang mai, viêm gan B, HIV, chlamydia, lậu, herpes và HPV – cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai và sinh nở.
STIs có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe sinh sản và tình dục trên toàn thế giới. Hơn 1 triệu STI mắc phải mỗi ngày, năm 2016, WHO ước tính có 376 triệu ca nhiễm mới với 1 trong 4 STIs: chlamydia (127 triệu), lậu (87 triệu), giang mai (6,3 triệu) và nhiễm trichomonas (156 triệu), hơn 500 triệu người đang sống chung với nhiễm HSV (herpes) sinh dục.
Các triệu chứng phổ biến của STI bao gồm tiết dịch âm đạo, tiết dịch niệu đạo hoặc nóng rát ở nam giới, loét bộ phận sinh dục và đau bụng. Tuy nhiên, một số người có thể bị STI mà không có các triệu chứng rõ ràng của bệnh. Kết quả là, chúng không bị phát hiện và không được điều trị cho đến khi các biến chứng phát sinh. Hậu quả của STIs không được điều trị thường nghiêm trọng hơn ở phụ nữ, bao gồm: vô sinh, chửa ngoài ống dẫn trứng, đau mãn tính, ung thư cổ tử cung và các biến chứng khác.
Vì vậy, cần sàng lọc, chẩn đoán, tư vấn và điều trị sớm để có thể ngăn chặn sự lây lan của STIs và giảm thiểu biến chứng của bệnh.
Giải pháp phát hiện bệnh bằng kỹ thuật real-time PCR
Hiện nay, có nhiều giải pháp để phát hiện bệnh và xét nghiệm bằng kỹ thuật real-time PCR là một trong số đó. Với độ nhạy, độ đặc hiệu cao, xét nghiệm này cho phép phát hiện các tác nhân gây bệnh nhanh chóng và chính xác.
Quy trình thực hiện gồm 4 bước cơ bản như:
Bước 1: Chuẩn bị mẫu (dịch phết sinh dục, nước tiểu)
Bước 2: Tách chiết DNA
Bước 3: Nhân bản vùng trình tự mục tiêu bằng hệ mồi đặc hiệu và thu nhận tín hiệu huỳnh quang bằng thiết bị real-time PCR.
Bước 4: Phân tích kết quả
Quá trình có thể hoàn tất trong khoảng 3 – 4 giờ.
Chuẩn bị mẫu
Vị trí lấy mẫu thích hợp phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác và hành vi tình dục của cá nhân; biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng. Vị trí lấy mẫu ở phụ nữ thường là ống nội mạc cổ tử cung hoặc âm đạo và nam giới là mẫu nước tiểu.
Tách chiết DNA
DNA trong mẫu dịch phết và nước tiểu cần được tách chiết và tinh sạch nhằm loại bỏ các chất gây ức chế phản ứng PCR. Các phương pháp tách chiết DNA thường bao gồm bước biến tính protein; cố định DNA và rửa trôi các chất ức chế; và thu nhận DNA tinh sạch. Các chất gây biến tính protein sẽ phá vỡ cấu trúc các protein trên tế bào người và vi khuẩn, virus, nấm,…từ đó làm vỡ tế bào và giải phóng DNA bộ gene. Sau đó, DNA được giữ lại trên các giá thể phù hợp và loại bỏ chất gây ức chế bằng các dung dịch rửa giải. Cuối cùng, DNA tinh sạch được thu hồi bằng cách hòa tan DNA trong dung dịch bảo quản.
Nhân bản và phát hiện
Phản ứng PCR (Nhân bản): Đầu tiên, nhiệt độ phản ứng được nâng cao làm các phân tử DNA bị biến tính thành dạng mạch đơn và hoạt hóa enzyme Taq DNA polymerase. Khi ống phản ứng được làm mát, các đoạn mồi đến bắt cặp với vùng gene mục tiêu. Nhờ có sự hiện diện của ion Mg2+ và các deoxynucleotide triphosphate (dNTP) ở nồng độ cao, Taq DNA polymerase sẽ kéo dài mồi để tạo nên các phân tử DNA mạch đôi gọi là amplicon. Việc tăng và giảm nhiệt độ của phản ứng được máy luân nhiệt lặp lại theo số chu kỳ đã định trước.
Phát hiện sản phẩm
Với việc sử dụng mẫu dò đánh dấu huỳnh quang (mẫu dò Taqman), sự gia tăng số lượng sản phẩm PCR có thể được theo dõi theo thời gian thực (real-time) bằng cách đo mật độ tín hiệu huỳnh quang phát ra trong suốt quá trình PCR. Khi mẫu dò vẫn còn nguyên vẹn, tín hiệu huỳnh quang phát ra bởi reporter sẽ bị quencher thu hút. Khi phản ứng PCR xảy ra, mẫu dò bắt cặp với vùng gene mục tiêu nằm giữa 2 mồi và bị phân cắt bởi hoạt tính 5’ – 3’ exonuclease của Taq DNA polymerase. Lúc này, phân tử reporter và quencher được tách nhau ra và tín hiệu huỳnh quang thu được từ reporter trở nên mạnh hơn.
Phân tích kết quả
Sự có mặt hay vắng mặt của DNA mục tiêu được xác định dựa trên sự có hay không có sản phẩm PCR thông qua việc quan sát tín hiệu huỳnh quang trên thiết bị.
Tóm lại, bệnh lây truyền qua đường tình dục là một căn bệnh đáng lo ngại hiện nay. Vì vậy, cần chủ động nâng cao nhận thức trong quan hệ cũng như đi sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện và phòng ngừa sớm, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc về sau.
Nếu bạn cần hỗ trợ, tư vấn hoặc đặt mua sản phẩm thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
Công ty TNHH Khoa học NKTBIO
VPGD: Số 60, đường số 13, khu Dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Hotline: 028.3636.5898
Email: info@nktbioco.com