Bệnh đậu mùa khỉ và những điều cần biết

Tổng quan về bệnh đậu mùa khỉ

Virus đậu mùa khỉ là một loại virus có DNA sợi kép, thuộc giống Orthopoxvirus của họ Poxviridae. Có hai nhóm di truyền khác nhau của virus đậu mùa khỉ: nhóm ở Trung Phi (lưu vực Congo) và nhóm ở Tây Phi. Trong lịch sử lưu vực Congo đã có đợt dịch bệnh nặng hơn và được cho là dễ lây lan hơn. Sự phân chia địa lý giữa hai nhóm cho đến nay là ở Cameroon, cũng là quốc gia duy nhất mà cả hai nhóm virus được tìm thấy.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ tương tự như các triệu chứng của bệnh đậu mùa, nhưng nhẹ hơn và “bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong”. Bệnh đậu mùa khỉ không có liên quan đến bệnh thủy đậu.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát bệnh tương tự như thủy đậu xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Mặc dù được đặt tên là “bệnh đậu mùa khỉ”, nhưng nguồn gốc của bệnh vẫn chưa được xác định chính xác, rất có thể là từ loài gặm nhấm, nên cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn để xác định chính xác các ổ bệnh và cách duy trì, cũng như lưu truyền của virus trong tự nhiên [2], [4].

Hình 1. Một hình thái tổn thương do nhiễm virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus).

Bùng phát bệnh đậu mùa khỉ 2022

Một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra đã được xác nhận vào ngày 6 tháng 5 năm 2022. Cụm trường hợp ban đầu được tìm thấy ở Vương quốc Anh, nơi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 6 tháng 5 năm 2022 ở một cá nhân có đi du lịch đến Nigeria (nơi đang có dịch bệnh). Đợt bùng phát đã đánh dấu lần đầu tiên bệnh đậu mùa khỉ lây lan rộng ra bên ngoài Trung và Tây Phi. 

Từ ngày 18 tháng 5 trở đi, các ca bệnh được báo cáo từ một số quốc gia và khu vực ngày càng tăng, chủ yếu ở Châu Âu nhưng cũng có ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Á, Châu Phi và Úc. Vào ngày 23 tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố vụ bùng phát là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC), nâng tình trạng của đợt bùng phát lên mức khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. 

Hình 2. Tổng số ca đã được xác nhận tính đến ngày 1/8 theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) [1]

Các con đường lây nhiễm 

 Lây truyền từ động vật sang người

  • Chúng ta có thể nhiễm bệnh đậu mùa khỉ này khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể, hoặc các tổn thương ở da hoặc niêm mạc của động vật nhiễm bệnh [2]. 
  • Người cũng có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ từ động vật bị nhiễm bệnh khi bị động vật đó cào hoặc cắn, hay do chế biến, ăn thịt hoặc sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh [3]. 

Lây truyền từ người sang người

  • Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho bất kỳ ai khi tiếp xúc gần với cá nhân mang bệnh, thường xuyên tiếp xúc da với da, bao gồm: Tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vảy, hoặc chất dịch cơ thể của người bị bệnh đậu mùa khỉ. 
  • Chạm vào đồ vật, vải (quần áo, bộ chăn nệm giường hoặc khăn tắm) và các bề mặt đã được người bệnh sử dụng hay chạm vào. 
  • Tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, như tiếp xúc trực tiếp có thể xảy ra trong quá trình thân mật, bao gồm: Quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn và âm đạo hoặc chạm vào bộ phận sinh dục (dương vật, tinh hoàn, môi âm hộ và âm đạo) hoặc hậu môn của người bị bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra ôm và hôn cũng có nguy cơ lây nhiễm cao [2], [3]. 
  • Người mang thai có thể truyền virus sang thai nhi của họ qua nhau thai. 

Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu: 

  • Virus có thể lây lan cho người khác khi người mắc bệnh không có triệu chứng hay không ?
  • Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước tiểu hoặc phân hay không?
Hình 3. Bảng thống kê số ca bệnh được lây truyền qua các con đường, tính đến ngày 2/8 của Tổ chức y tế thế giới (WHO) [1]
Hình 4. Bảng thống kê độ tuổi và giới tính mắc bệnh tính đến ngày 2/8 của Tổ chức y tế thế giới (WHO) [1]

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể bao gồm [4]:

  • Sốt, đau đầu, đau cơ và đau lưng 
  • Sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức 
  • Các triệu chứng về đường hô hấp như đau họng, nghẹt mũi hoặc ho
  • Phát ban có thể vùng trên hoặc gần bộ phận sinh dục (dương vật, tinh hoàn, môi âm hộ và âm đạo hoặc hậu môn) nhưng cũng có thể ở các khu vực khác như bàn tay, bàn chân, ngực, mặt hoặc miệng.
  • Phát ban sẽ trải qua một số giai đoạn, bao gồm cả đóng vảy trước khi lành. 
  • Phát ban có thể trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước và có thể đau hoặc ngứa. 

Hoặc bạn có thể gặp tất cả hoặc chỉ một vài triệu chứng. 

Phần lớn mọi người đều bị phát ban đầu tiên, sau đó là các triệu chứng khác. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp chỉ bị phát ban và không có những triệu chứng khác. 

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện trong vòng 3 tuần kể từ khi bị nhiễm virus. Nếu ai đó có các triệu chứng giống như cúm, họ thường sẽ phát ban từ 1- 4 ngày sau đó. 

Một người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho người khác từ khi các triệu chứng mới bắt đầu cho đến khi vết ban lành hoàn toàn với một lớp da mới được hình thành. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần.

Khuyến nghị: Nếu bạn bị phát ban mà không rõ nguyên nhân, hoặc có các triệu chứng khác như trên… thì nên tránh tiếp xúc gần với mọi người, kể cả quan hệ tình dục hoặc thân mật với bất kỳ ai. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chữa trị.

Tài liệu tham khảo: 

[1] 2022 Bùng phát bệnh đậu mùa khỉ: Xu hướng toàn cầu “Tổ chức y tế thế giới (WHO)”: https://worldhealthorg.shinyapps.io/mpx_global/_w_4c13288d/#section-fns2

[2] Bệnh đậu mùa khỉ “Tổ chức y tế thế giới (WHO)”: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/monkeypox

[3] Các đường lây lan bệnh đậu mùa khỉ “Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC)”: https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/transmission.html

[4] Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ “Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC)”: https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/symptoms.html

Nếu cần thêm thông tin về sản phẩm hoặc có thắc mắc cần hỗ trợ hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn sớm nhất:
Công ty TNHH Khoa học NKTBIO
VPGD: Số 60, đường số 13, Khu Dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Hotline: 028.3636.5898
Email: info@nktbioco.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.